Vinamilk là một thương hiệu sữa hàng đầu tại Việt Nam, đã trở nên thân thuộc với hầu hết mọi người. Sản phẩm của hãng xuất hiện tại tất cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi,… từ thành thị đến nông thôn và trong tâm trí người tiêu dùng. Đây là thành công lớn trong chiến lược Marketing của Vinamilk. Hãy cùng Kamereo phân tích đội ngũ nhân sự của thương hiệu sữa hàng đầu này đã làm những gì trong bài viết sau đây nhé!
Đôi nét về thương hiệu sữa Vinamilk
Vinamilk hay Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam được thành lập vào ngày 20 tháng 8 năm 1976, chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ sữa bò. Với gần 50 năm hoạt động, công ty đã đạt được nhiều thành công lớn. Theo đó, Vinamilk chiếm 75% thị phần trong ngành công nghiệp chế biến sữa và sản phẩm có mặt tại hơn 250.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Vào ngày 15/08/2023, Vinamilk được vinh danh tại vị trí thứ 2 trong “Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam”, chỉ sau Viettel. Bên cạnh đó, thương hiệu còn nổi tiếng với các chiến dịch marketing độc đáo, nhân văn và góp phần mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng.
Hai hoạt động đáng kể như: “Chương trình 3 triệu ly sữa cho trẻ em nghèo” và quỹ học bổng “Vinamilk ươm mầm tài năng trẻ” là những ví dụ điển hình. Trong năm 2023, Vinamilk còn tạo nên bão truyền thông với trào lưu thay đổi logo đầy ấn tượng.
Các mô hình marketing mà Vinamilk đã áp dụng
Đây là các công cụ giúp nhà tiếp thị nghiên cứu tổng quan và xác định yếu tố ảnh hưởng. Từ đó, họ có thể đề xuất chiến lược marketing phù hợp. Dưới đây là 2 mô hình mà Vinamilk đã sử dụng để phân tích thị trường.
Mô hình STP
Trong marketing, mô hình STP là một phương pháp giúp các doanh nghiệp tận dụng một nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu để xây dựng các chiến dịch tiếp thị hiệu quả với chi phí thấp nhất. Mô hình này có ba phần chính bao gồm:
Phân khúc thị trường (Segmentation)
Quá trình chia nhỏ thị trường chung thành các phân khúc nhỏ hơn dựa trên các đặc điểm chung như: độ tuổi, giới tính, sở thích hoặc hành vi tiêu dùng.
Theo đó, Vinamilk nhắm đến nhiều đối tượng khách hàng trong các chiến lược của mình bao gồm: trẻ em, thanh niên, người trưởng thành, phụ nữ trung niên và người cao tuổi. Marketer của hãng đã xác định những đặc điểm chính của từng nhóm đối tượng như sau:
- Trẻ em (5 – 14 tuổi): Năng động, sáng tạo, thích đi chơi và tụ tập bạn bè, có thói quen uống sữa hàng ngày.
- Thanh niên (15 – 25 tuổi): Chưa có thu nhập ổn định, nhiệt tình, ham khám phá và trải nghiệm.
- Người trưởng thành (26 – 44 tuổi): Nhóm người có khả năng tài chính, cuộc sống bận rộn.
- Phụ nữ trung niên (40 – 60 tuổi): Thường đã có gia đình, điềm đạm, yêu đời và trân trọng sức khỏe.
- Người cao tuổi (65 – 70 tuổi): Sinh hoạt điều độ, có ý thức nâng cao thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó, nhóm này thường có thu nhập từ lương hưu.
Thị trường mục tiêu (Targeting)
Mặc dù sản phẩm đáp ứng nhu cầu mọi độ tuổi trên thị trường, nhưng Vinamilk chủ yếu tập trung vào đối tượng trẻ em từ 5 đến 14 tuổi. Đây là độ tuổi trong giai đoạn phát triển cơ thể, khả năng trao đổi chất mạnh, đồng thời đòi hỏi sự tăng cường về thể chất và trí tuệ. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng trẻ em cũng chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 23,2% doanh số bán hàng của Vinamilk.
Ngoài ra, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong những năm gần đây đã làm thay đổi hành vi tiêu dùng. Mọi người trở nên quan tâm đến giá trị của sản phẩm hơn so với giá cả. Vì vậy, Vinamilk luôn tập trung vào chất lượng và vinh danh sản phẩm sữa Vinamilk của mình với 100% thành phần hữu cơ.
Định vị (Positioning)
Đây là quá trình định vị sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp trong tâm trí của khách hàng mục tiêu. Từ đó, thương hiệu tạo nên một vị trí độc đáo và thu hút khách hàng hơn so với đối thủ cạnh tranh.
Theo đó, Vinamilk tập trung sản xuất các sản phẩm sữa nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu. Với hơn 80% tổng lượng tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thương hiệu đã cho thấy mình định vị sản phẩm một cách chính xác.
Mô hình SWOT
Mô hình SWOT là phương pháp phân tích marketing phổ biến, mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, mô hình này thường được các doanh nghiệp áp dụng để tự đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của mình. Từ đó, họ có thể xác định các cơ hội và thách thức để tìm kiếm những tiềm năng phát triển.
Điểm mạnh (Strength)
Trải qua gần 50 năm hoạt động, Vinamilk đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về các khía cạnh sa:
- Thương hiệu: Vinamilk vẫn là ông vua ngành sữa Việt Nam với 44% thị phần (2023). Bên cạnh đó, thương hiệu được người tiêu dùng đánh giá cao và đã liên tục được bình chọn là “Top 10 hàng Việt Nam chất lượng cao” từ 1995 đến 2009.
- Chất lượng sản phẩm: Sữa đặc ông thọ, sữa đặc ngôi sao, Dielac, Yogurt Vinamilk,… đều được sản xuất từ hơn 5.000 con bò trên các trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp đảm bảo sữa có chất lượng cao, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.
- Mạng lưới phân phối: Vinamilk có hơn 249.000 điểm bán trên toàn quốc, phủ sóng tại 64 tỉnh thành. Hơn nữa, sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…
- Trang thiết bị: Vinamilk áp dụng các công nghệ hiện đại của Đức, Ý, Thụy Sĩ vào dây chuyền sản xuất để đảm bảo chất lượng của từng sản phẩm.
- Chiến dịch marketing: Quỹ “Vươn cao Việt Nam”, chiến dịch “Quỹ một triệu cây xanh Việt Nam”,… là một trong các chương trình quảng cáo, tiếp thị chuyên nghiệp và mang đậm tính nhân văn.
Điểm yếu (Weakness)
Mặc dù là ông vua ngành sữa Việt Nam, nhưng Vinamilk vẫn đối mặt với một số nhược điểm. Công ty vẫn chưa đạt được sự tự chủ hoàn toàn đối với nguồn nguyên liệu sữa, Thực tế, Vinamilk phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu.
Với nhu cầu sữa tươi tăng cao nhưng nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đủ đáp ứng được khoảng 30% thị trường. Do đó, Vinamilk phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu từ New Zealand, Mỹ, các nước thuộc Liên minh châu Âu và Nhật Bản. Điều này làm tăng chi phí nguyên liệu và dẫn đến tăng giá bán sản phẩm.
Cơ hội (Opportunity)
Hiện nay, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi giảm thuế nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển. Điều này giúp thương hiệu nội địa có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Do đó, thuế nhập khẩu nguyên liệu ở Việt Nam đã giảm nhiều hơn so với cam kết của WTO.
Thách thức (Threat)
Đầu tiên, Vinamilk đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cả trong và ngoài nước. Thương hiệu không còn là sự lựa chọn duy nhất khi người tiêu dùng so sánh với các thương hiệu lớn như: Nestle, Dutch Lady, Abbott,…
Ngoài ra, người tiêu dùng đang ngày càng đặt nhiều yêu cầu hơn đối với sữa bột và sự cạnh tranh cũng đến từ các dòng sản phẩm sữa nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Hà Lan,… Điều này khiến Vinamilk đánh mất vị thế độc quyền trên thị trường.
Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam cũng ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu sữa nguyên kem đã giảm từ 20% xuống còn 18%, còn thuế nhập khẩu sữa đặc từ 30% giảm xuống 25%. Điều này làm tăng sự cạnh tranh giữa các thương hiệu sữa trên thị trường.
Phân tích chiến lược 4P của Vinamilk
Qua hai mô hình STP và SWOT giúp Marketer có thể xây dựng chiến lược marketing của Vinamilk một cách hiệu quả. Dưới đây là các phân tích c chiến lược 4P của thương hiệu:
Chiến lược sản phẩm (Product)
Hiện nay, Vinamilk đang dẫn đầu thị trường sữa với sự đa dạng danh mục sản phẩm bao gồm: sữa nước, sữa bột, sữa chua, sữa đặc,… Thương hiệu đã triển khai nhiều chiến lược sản phẩm như sau:
- Vinamilk đã hợp tác với Tetra Pak – một doanh nghiệp hàng đầu về chế biến và đóng gói thực phẩm lỏng để đổi mới thiết kế và cách đóng gói bao bì sản phẩm.
- Liên tục cập nhật và cải tiến công nghệ, phương pháp bảo quản, phân phối và lưu trữ thực phẩm nhằm tăng tuổi thọ sản phẩm.
- Thúc đẩy các sản phẩm thân thiện với môi trường bằng cách sử dụng các sản phẩm sữa đóng trong hộp giấy do Tetra Pak cung cấp.
- Vinamilk đầu tư vào các công đoạn nuôi bò sữa như: trồng cỏ, xây dựng chuồng, cung cấp thức ăn cho bò, sử dụng thuốc thú y và xây dựng nhà máy trang trại,… để cho ra chất lượng sữa tốt nhất.
Chiến lược giá (Price)
Vinamilk luôn tiến hành khảo sát giá sản phẩm của các đối thủ trong cùng ngành và duy trì giá bán thấp hơn. Do đó, với sản phẩm đạt chuẩn Quốc tế cùng giá bán hợp lý đã giúp thương hiệu chiếm lĩnh thị trường sữa Việt Nam.
Ngoài ra, Vinamilk luôn chủ động đầu tư vào các trang trại bò sữa đạt chuẩn để giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Điều này giúp công ty có thể thay đổi liên tục nhưng luôn phù hợp với nhu cầu và mong đợi của người tiêu dùng.
Chiến lược phân phối (Place)
Hệ thống kênh phân phối của Vinamilk rộng khắp cả nước với hơn 250.000 điểm bán lẻ, bao gồm cả hệ thống phân phối trực tiếp đến khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm của công ty có mặt tại hơn 3.800 siêu thị lớn, nhỏ và 1.300 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.
Hiện tại, Vinamilk đang quản lý 4 hệ thống phân phối chính bao gồm:
- Kênh phân phối đến các siêu thị lớn như: Big C, Metro, cùng các siêu thị nhỏ bao gồm: Fivimart, Citimart, Vinmart.
- Kênh phân phối đến các tổ chức, cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng,…
- Hệ thống các nhà phân phối.
- Thị trường xuất khẩu.
Chiến lược xúc tiến (Promotion)
Vinamilk luôn đồng hành cùng người tiêu dùng trong thời điểm đại dịch Covid-19 bằng chiến lược tiếp thị truyền thông đa kênh. Theo đó, công ty tập trung truyền tải thông điệp “sữa tươi nguyên chất 100%” trong bối cảnh mọi người đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu. Thương hiệu cũng nhấn mạnh nguồn gốc sản phẩm trong các chiến dịch tiếp thị trên các kênh truyền thông như: TVC, video, radio và các nền tảng mạng xã hội.
Với hình ảnh những chú bò vui tươi, ca hát và nhảy múa được xây dựng trong các quảng cáo trước đây, Vinamilk đã làm cho người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về thương hiệu. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng tài trợ cho các cuộc thi, chương trình học bổng. Điều này giúp Vinamilk tạo ra một hình ảnh thu hút và tốt đẹp hơn trong lòng người tiêu dùng.
Các chiến lược marketing của Vinamilk
Với những thông tin trên, bạn đã phần nào hình dung ra hoạt động marketing của Vinamilk. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy đến với một số chiến lược tiếp thị của thương hiệu bao gồm:
Quảng cáo trên fanpage
Trước sự chuyển dịch của xã hội, Vinamilk đã nhanh chóng đầu tư nguồn lực vào việc xây dựng Fanpage trên Facebook. Hiện tại, công ty đã thu hút hơn 697.000 lượt thích và 723.000 người theo dõi trên fanpage chính thức, giúp quá trình tiếp cận khách hàng trở nên dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, Vinamilk cũng rất chú trọng đầu tư vào các bài đăng trên fanpage, từ các bài PR sản phẩm, thông báo khuyến mãi đến tổ chức cuộc thi,… Điều này nhằm nhấn mạnh vào lợi ích mà khách hàng nhận được khi sử dụng sản phẩm. Ngoài ra, các hình ảnh được sử dụng trong các hoạt động truyền thông của thương hiệu luôn được đầu tư chỉnh chu, mang tính độc đáo và bắt mắt.
Quảng cáo qua billboard
Ngoài việc tiếp thị trên các kênh truyền thông online, Vinamilk còn kết hợp với billboard ngoài trời. Do đó, người dùng dễ dàng bắt gặp các quảng cáo của thương hiệu này tại các giao lộ lớn, nơi có đông người qua lại. Với sự đặc biệt về hình ảnh, quảng cáo của Vinamilk thu hút sự quan tâm lớn từ người xem.
Truyền thông qua TVC
Là một tập đoàn hàng đầu của Việt Nam, Vinamilk không bỏ qua cơ hội tiếp thị sản phẩm của mình qua các kênh truyền hình. Các đoạn quảng cáo của Vinamilk rất sống động, giàu cảm xúc với ý tưởng sáng tạo và ý nghĩa nhân văn. Một trong những chiến dịch quảng cáo trên truyền hình nổi tiếng của Vinamilk là “Quỹ 6 triệu ly sữa”.
Tài trợ các cuộc thi và học bổng
Các chương trình học bổng và cuộc thi của Vinamilk đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ báo chí, cộng đồng, các trường học và chính phủ. Điều này không chỉ giúp tăng độ nhận diện của thương hiệu mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp. Từ đó, lòng tin của người dùng đối với Vinamilk được tăng cao.
Chiến dịch thay logo tạo trend trong thời gian vừa qua
Một trong những chiến lược marketing của Vinamilk thu hút sự chú ý đặc biệt là việc thay đổi trend logo gần đây. Vào ngày 6/7/2023, công ty đã bất ngờ thay đổi bộ nhận diện thương hiệu sau gần 50 năm hoạt động. Logo của Vinamilk đã chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng chữ (wordmark) với thiết kế đơn giản kèm theo dòng chữ “est 1976” – năm thành lập của công ty.
Ngoài ra, Vinamilk đã khuyến khích người trẻ tạo logo theo phong cách mới bằng cách truy cập trang web est1976.vinamilk.com.vn. Sau đó, mọi người chỉ cần nhập tên, năm sinh và người dùng sẽ nhận được một logo của riêng mình theo phong cách của Vinamilk. Hoạt động này đã trở thành “cơn sốt” tại thời điểm đó và nhanh chóng thu hút giới trẻ tham gia.
Việc thay đổi này không chỉ tái định vị thành công thương hiệu mà còn giúp Vinamilk nhận được sự quan tâm từ nhiều khách hàng tiềm năng. Đồng thời, nâng cao vị thế của thương hiệu trong nhận thức của khách hàng.
Tổng kết
Trên đây là phân tích chiến lược marketing của Vinamilk và lý do dẫn đến thành công. Hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn và hướng phát triển doanh nghiệp trong tương lai. Hãy theo dõi chuyên mục Case Study kinh doanh để biết thêm nhiều chiến lược thành công nhé!
Xem thêm: